Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc của sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vũ Thị Thu Hiền

Trung tâm Thông tin Thư viện, Trường ĐHCNHN

Vũ Hồng Vân

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

TÓM TẮT

Văn hóa đọc giúp sinh viên lĩnh hội tri thức, hệ thống khái niệm khoa học, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển phẩm chất nhân cách nghề nghiệp tương lai; hỗ trợ cho việc nâng cao trình độ học tập và nghiên cứu khoa học. Văn hóa đọc còn nâng cao khả năng tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo của sinh viên. Do đó, sinh viên các trường đại học nói chung và sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói riêng, cần phải trang bị cho mình. Để phát huy vai trò của văn hóa đọc trong quá trình học tập, sinh viên cần có nhận thức đầy đủ, từ đó vận dụng nó một cách triệt để hỗ trợ cho việc học tập của mình. Bài báo trình bày nghiên cứu về văn hóa đọc của sinh viên tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Áp dụng phương pháp nghiên khảo sát, kết quả nghiên cứu cho thấy, văn hóa đọc của sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội còn nhiều bất cập. Từ đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để phát triển văn hóa đọc cho sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói riêng, sinh viên các trường đại học nói chung.

1. GIỚI THIỆU

Văn hóa đọc có vai trò quan trọng trong xã hội, góp phần truyền bá tri thức, giúp con người trong công cuộc xây dựng và cải tạo xã hội phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Để phát triển văn hóa đọc, những năm gần đây, các thư viện và nhà xuất bản trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động như: ngày đọc, tuần đọc sách, nhân ngày sách và bản quyền thế giới. Từ năm 2011, “Ngày hội sách và văn hóa đọc” được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hàng năm tại Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Mục tiêu quan trọng của các hoạt động này là tôn vinh giá trị của sách, khuyến khích việc đọc và đáp ứng nhu cầu cho mọi người được khám phá và thỏa mãn sở thích đọc của mình.

Tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, tính đến năm 2016, đã đào tạo hàng ngàn kỹ sư/ cử nhân đa ngành, đa lĩnh vực với gần 30 chuyên ngành. Trường đang thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, triển khai các loại hình đào tạo mới, triển khai sâu rộng hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy và học tập, rèn luyện tư duy sáng tạo và tạo lập phong cách tự học, tự nghiên cứu. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh đó, nhu cầu đọc của sinh viên cũng rất phong phú và đa dạng, từ sách, giáo trình, tài liệu học tập đến báo, tạp chí… Tuy nhiên, liệu sinh viên đã có văn hóa đọc chưa và kết quả của nó như thế nào là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, tác giả tập trung phân tích vai trò của văn hóa đọc và thực trạng văn hóa đọc của sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Cơ sở lý luận

Văn hóa là một hiện tượng đa dạng, được các nhà khoa học hiểu theo nhiều cách khác nhau nhưng tựu chung lại: văn hóa là phẩm chất chỉ có ở con người, là phương thức tồn tại của con người, văn hóa thể hiện trình độ phát triển của con người, giúp con người ngày càng hoàn thiện hơn. Văn hóa đọc là một bộ phận của văn hóa. Cũng như các lĩnh vực văn hóa khác, văn hóa đọc chỉ chất lượng, giá trị tinh thần của con người được tạo ra cả trong hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần. Chú trọng tới văn hóa đọc được bắt đầu khoảng hơn thập kỷ trở lại đây. Cùng với sự phát triển của xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, thuật ngữ “văn hóa đọc” đã được bồi đắp, biến đổi theo hướng hiện đại.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu khoa học đã đề cập đến văn hóa đọc dưới nhiều góc độ và các cách nhìn nhận khác nhau. Văn hóa đọc là một khái niệm được xét ở hai phương diện rộng và hẹp. Ở phương diện rộng, văn hóa đọc là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Còn theo phương diện hẹp, văn hóa đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc (Viêm, 2009). Từ phương diện rộng, Bùi Văn Vượng coi thuật ngữ “văn hóa đọc là đọc sách có văn hóa, hay xây dựng một xã hội đọc sách” (trích bởi Đan Sơn, 2006); theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình “Văn hóa đọc là đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức” (trích bởi Phan Hùng Sơn, 2012). Theo phương diện hẹp, Trần Thị Minh Nguyệt (2006), cho rằng văn hóa đọc không chỉ là đọc gì mà còn là, và chủ yếu là, đọc như thế nào, lĩnh hội và cảm thụ nội dung sách ở mức độ nào, đồng thời bao hàm cả thái độ ứng xử với sách báo của người đọc.

Như vậy, văn hóa đọc là một loại hình hoạt động văn hóa, giúp cho hoạt động đọc của con người đạt hiệu quả cao, qua đó thể hiện trình độ văn hóa của mỗi cá nhân. Trong nghiên cứu này, tác giả lựa chọn đối tượng khảo sát là sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, để nghiên cứu phân tích về văn hóa đọc theo ba yếu tố: (i) nhu cầu đọc, (ii) kỹ năng đọc và (iii) thái độ ứng xử với tài liệu.

Nhu cầu đọclà yếu tố quan trọng nhất của hoạt động đọc, quy định nội dung của hoạt động đọc. Nhu cầu đọc giúp cho con người tập trung khả năng nhận thức về một đối tượng cụ thể. Nhờ đó, hiệu quả của hoạt động đọc cao hơn.

Kỹ năng đọc là khả năng vận dụng những kiến thức về đọc vào thực tiễn hoạt động đọc của mỗi con người. Kỹ năng đọc được hình thành thông qua quá trình đọc, vì vậy mỗi con người có kỹ năng đọc riêng. Trong quá trình đọc, kỹ năng đọc dần được hình thành. Đó là quá trình tự học hỏi, tự rút kinh nghiệm cho bản thân người đọc. Kỹ năng đọc thể hiện trình độ văn hóa của mỗi con người, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tri thức, kinh nghiệm, năng lực…

Thái độ ứng xử với tài liệu luôn là chuẩn mực quan trọng để đánh giá phẩm chất của con người. Thái độ ứng xử với tài liệu thể hiện qua tư thế, tâm thế của con người qua tác phong đọc. Thái độ đọc tốt thể hiện qua việc lựa chọn tài liệu tốt, tiến bộ; đồng thời thể hiện cung cách đọc tài liệu với thái độ trân trọng, khiêm tốn, cầu thị với những kiến thức trong nội dung tài liệu.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Áp dụng phương pháp nghiên cứu định tính, tác giả tổng quan các nghiên cứu liên quan đến vấn đề nghiên cứu, thu thập dữ liệu thứ cấp. Đồng thời, sử dụng kết hợp phương pháp điều tra khảo sát bằng bảng hỏi, phỏng vấn trực tiếp. Khảo sát được tiến hành với mẫu là 300 sinh viên đang theo học các chuyên ngành đại học các khóa khác nhau tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và được lựa chọn ngẫu nhiên. Phiếu điều tra bằng bảng hỏi được phát trực tiếp tới sinh viên đến đọc tại thư viện và trên giảng đường và thu về 224 phiếu hợp lệ. Phần mềm Excel được sử dụng để xử lý các dữ liệu sau khi thu thập được.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Nhu cầu đọc

Tác giả tiến hành phân nhóm trong số 224 phiếu trả lời hợp lệ. Nhóm 1 là các sinh viên hệ đại học chính quy học các chuyên ngành công nghệ và kỹ thuật, gồm: 112 sinh viên các chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật Ô tô, Công nghệ kỹ thuật Điện, Điện tử, Công nghệ kỹ thuật Điện tử-truyền thông, Công nghệ kỹ thuật Hoá, Kỹ thuật phần mềm. Nhóm 2 là các sinh viên hệ đại học chính quy học các chuyên ngành khoa học xã hội, gồm: 112 sinh viên ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Thiết kế thời trang, Ngôn ngữ Anh, Tài chính ngân hàng, Việt Nam học. Trong đó, có 200 sinh viên (chiếm tỷ lệ 89,3%) trả lời là có đọc sách; 10,7% sinh viên trả lời không đọc sách. Kết quả phân tích ở nhóm sinh viên trả lời khảo sát là có đọc sách cho thấy, sinh viên học các chuyên ngành khoa xã hội có nhu cầu đọc sách nhiều hơn (chiếm 52%) so với sinh viên học các chuyên ngành công nghệ, kỹ thuật (chiếm 48%).

Thói quen đọc: Tỷ lệ sinh viên trả lời có đọc sách hàng ngày chiếm 30%, hai ba ngày đọc sách một lần là 33,5%; số sinh viên trả lời một tuần đọc sách một lần là 10%, một tháng đọc một lần là 4% và vài tháng mới đọc sách một lần chiếm tỷ lệ rất ít 2,5%. Như vậy, số sinh viên thường xuyên chủ động đọc để tìm kiếm thông tin là tương đối cao. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, số sinh viên đọc thụ động nhằm mục đích trả bài khi có bài tập và chuẩn bị thảo luận chiếm tỷ lệ không nhỏ (20%).

Nguồn tài liệu: Tỷ lệ sinh viên có nhu cầu đọc sách thường mượn trên thư viện là rất ít, chỉ chiếm 7%;mượn sách của bạn bè chiếm 17%; tự mua sách chiếm 23,5%; chủ yếu sử dụng Internet để thỏa mãn nhu cầu đọc của mình chiếm 69,5%; còn lại 4,5% là đọc sách từ các nguồn khác (hình 1).

Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc của sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Hình 1. Nguồn tài liệu sinh viên thường sử dụng cho việc đọc

Như vậy, tài liệu trên Internet được sinh viên sử dụng nhiều nhất (chiếm 69,5%). Trong điều kiện đời sống xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, việc trang bị máy tính có kết nối mạng là khá dễ dàng. Sinh viên có thể sử dụng các tài liệu trên Internet ngay tại nơi mình đang sống. Với cách tiếp cận nguồn tài liệu này, sinh viên có cơ hội khai thác được thông tin một cách thường xuyên, phong phú và đa dạng. Việc đọc trên thư viện, mượn của bạn bè, tự mua sách hay các nguồn tài liệu khác chiếm số lượng ít. Do đó, nhu cầu đọc có thể bị hạn chế trước những thay đổi nhanh chóng về thị hiếu của sinh viên như hiện nay, hay việc đầu tư vào nguồn tài liệu này không cạnh tranh được với dịch vụ Internet vừa rẻ lại không phải đi lại nhiều.

Nhu cầu và hứng thú đọc: Trên cơ sở kết quả khảo sát về thói quen đọc và nguồn tài liệu sinh viên thường sử dụng, tác giả đã tiến hành phân tích nhu cầu và hứng thú đọc của sinh viên. Kết quả phân tích cho thấy, sinh viên nhóm 1 học các ngành công nghệ, kỹ thuật thích đọc thể loại sách về khoa học kỹ thuật nhất (38,5%). Điều này cũng dễ hiểu bởi thể loại sách về khoa học kỹ thuật phục vụ cho chuyên ngành mà sinh viên nhóm này đang theo học. Có 29,2% sinh viên trả lời thích đọc thể loại tài liệu tin tức thời sự, sau đó là tài liệu nghiên cứu (13,5%). Mặc dù, sinh viên nhóm 1 học các ngành khoa công nghệ, kỹ thuật nhưng có sở thích đọc sách văn học cũng không nhỏ (chiếm tỷ lệ 12,5%). Trong khi đó, sinh viên nhóm 2 học các ngành khoa xã hội có nhu cầu và hứng thú đọc với thể loại tin tức thời sự nhất (chiếm 43,3%) vì những tài liệu này bổ trợ cho môn học của họ; kế tiếp là loại sách về khoa học kỹ thuật (18,3%); 17,3% lựa chọn tài liệu nghiên cứu, thể loại văn học chiếm 16,3% (bảng 1).

Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc của sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Bảng 1. Kết quả phân tích nhu cầu và hứng thú đọc của sinh viên

Dạng tài liệu: Khảo sát về nhu cầu và hứng thú đọc của sinh viên với ba dạng tài liệu được sử dụng phổ biến hiện nay. Tài liệu in trên giấy vốn tồn tại rất lâu đời cùng với các bộ chữ viết, là loại hiện vật có giá trị do hàm chứa lượng thông tin lớn và đa dạng. Tài liệu in trên giấy bao gồm sách, báo, tạp chí, các ấn phẩm xuất bản bằng chữ. Khi đọc tài liệu in trên giấy, người đọc được phát huy trí tưởng tượng của mình, phát triển năng lực tư duy và mở rộng thế giới quan. Tài liệu nghe nhìn là loại hình tài liệu phản ánh các mặt đời sống chính trị, văn hoá, tinh thần bằng hình ảnh động, hình tượng âm thanh, vì vậy nó tác động trực tiếp và nhanh chóng đến thế giới quan của con người. Loại hình của tài liệu nghe nhìn gồm: tài liệu ảnh, phim điện ảnh, ghi âm, ghi hình và kĩ thuật số. Tài liệu điện tử là các thông tin có sẵn dưới dạng có thể xử lý được bằng máy tính và trong đó tất cả các chức năng bổ sung, lưu trữ, bảo quản, tìm kiếm, truy cập và hiển thị đều sử dụng kĩ thuật số. Loại hình của tài liệu điện tử bao gồm: cơ sở dữ liệu, báo và tạp chí điện tử, sách điện tử. Đây là dạng tài liệu thịnh hành nhất hiện nay, nó tập hợp được cả nội dung của tài liệu in trên giấy và tài liệu nghe nhìn.

Kết quả khảo sát theo dạng tài liệu cho thấy, đa số sinh viên thích đọc dạng tài liệu điện tử nhất (41,5%), dạng tài liệu in trên giấy chiếm tỉ lệ không nhỏ (35%), tỉ lệ sinh viên thích đọc tài liệu nghe nhìn là 23,5%. Kết quả khảo sát theo dạng tài liệu cũng cho thấy, sinh viên nhóm 2 học các ngành khoa xã hội có sở thích đọc dạng tài liệu in trên giấy và tài liệu điện tử là như nhau (38,5%), có thể do tính chất ngành học nên sinh viên nhóm này vẫn ưa thích tài liệu in trên giấy. Trong khi, sinh viên nhóm 1 lại ưa chuộng dạng tài liệu điện tử hơn tài liệu in trên giấy (chiếm 44,8%). Dạng tài liệu nghe nhìn được sinh viên cả hai nhóm thích sử dụng là tương đương nhau.

3.2. Kỹ năng đọc

Phương pháp đọc: Kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh viên chỉ đọc tài liệu ở những phần mình quan tâm nhất (55%); kế đến là đọc trình tự từ đầu đến cuối tài liệu (40,5%). Sinh viên trả lời đọc lời giới thiệu cuốn sách và chỉ đọc phần cuối cuốn sách chiếm tỷ lệ rất ít (3% và 1,5%) (bảng 2). Đọc lời giới thiệu cuốn sách giúp cho người đọc xác định được mục đích mà nội dung tài liệu đề cập đến. Đọc phần kết của cuốn sách giúp người đọc biết được chủ đề của tài liệu. Vì vậy, người đọc cần phải đọc qua lời giới thiệu và phần cuối cuốn sách.

Nhớ tên tác giả khi đọc có tác dụng củng cố trí nhớ và làm giàu vốn hiểu biết của mình. Khả năng nhớ tên tác giả của sinh viên sau khi đọc xong mỗi cuốn sách là 28,2%, chủ yếu sinh viên chỉ quan tâm tới những tác giả của cuốn sách mình thích (45,7%), còn lại 26,1% sinh viên không nhớ tên tác giả sau khi đọc. Đọc có nghiền ngẫm, đúc kết đòi hỏi người đọc phải ghi chép sau khi đọc.

Khi đọc xong một cuốn sách, chỉ có 16% sinh viên ghi lại cảm nghĩ, nhận xét của mình. Đây là một phương pháp đọc hay nhưng chưa được sinh viên áp dụng thực tế nhiều. Sinh viên chỉ ghi lại những phần nội dung tâm đắc nhất của cuốn sách chiếm tỉ lệ 32,5%; 17,5% số sinh viên chỉ ghi lại những thông tin phục vụ cho việc học và nghiên cứu; khá nhiều sinh viên không ghi lại cảm nghĩ, nhận xét sau khi đọc xong chiếm 34% (bảng 2).

Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc của sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Bảng 2. Kết quả khảo sát về phương pháp đọc của sinh viên

Như vậy, kết quả khảo sát trên cho thấy, sinh viên vẫn chưa có phương pháp đọc khoa học, hiệu quả.

3.3. Thái độ ứng xử với tài liệu

Đánh dấu trang đang đọc dở: Hiện nay, các nhà xuất bản sách rất quan tâm đến sự lợi ích người đọc và văn hóa khi đọc sách. Hầu hết gáy các cuốn sách xuất bản (nhất là những sách có số lượng trang lớn) được đính kèm sợi chỉ nhỏ màu đỏ hoặc vàng, để thuận tiện cho việc đánh dấu lại trang sách mà người đọc đang đọc dở. Thông qua hành động tưởng như rất nhỏ ấy, cho thấy ý thức, văn hóa của mỗi con người. Kết quả điều tra về hành động này cho thấy, khi đang đọc dở một cuốn sách, sinh viên thường gấp mép trang đọc dở để đánh dấu chiếm tỷ lệ 58,8%; 27,6% sinh viên chọn cách lấy một vật gì đó để kẹp vào trang đang đọc dở; sinh viên gấp gáy cuốn sách để đánh dấu chiếm 8,1%; còn lại 5,5% sinh viên chọn cách ghi nhớ trang của riêng mình như: tự nhớ số trang đang đọc dở, ghi nhớ lại phần mình đang đọc.

Đánh dấu đoạn mình thích: Khi đọc đến đoạn thích nhất hoặc nội dung cần tìm, sinh viên chủ yếu dùng bút chì để đánh dấu chiếm tỷ lệ 29,6%; không làm gì cả chiếm 28,6%; dùng bút màu đánh dấu chiếm 23,1%; 13,6% sinh viên có cách làm khoa học và đúng đắn nhất là ghi chép vào sổ tay cá nhân; một số ít sinh viên (5,1%) chọn phương pháp riêng của mình như: đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc kỹ hoặc học thuộc để nhớ hay dùng cách gấp mép trang giấy, đánh dấu nội dung cần, dùng chỉ đỏ ở cuốn sách để đánh dấu lại trang mình cần (bảng 3).

Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc của sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Bảng 3. Kết quả khảo sát về thái độ ứng xử của sinh viên với tài liệu

Mức độ đáp ứng nhu cầu sách báo của thư viện đối với sinh viên: Thư viện trường phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên trong trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, là nơi cung cấp nguồn dữ liệu, thông tin quan trọng về chương trình đào tạo của nhà trường. Thư viện giúp sinh viên rèn luyện khả năng tự học, tư duy độc lập và năng lực sáng tạo của bản thân. Thư viện trường là cái nôi hình thành, duy trì và phát triển văn hóa đọc cho sinh viên. Kết quả điều tra về mức độ đáp ứng nhu cầu sách báo của thư viện đối với sinh viên cho thấy, mức độ đáp ứng nhu cầu sách báo ở thư viện của trường là không cao. Vốn tài liệu là yếu tố quan trọng nhất để thu hút sinh viên đến thư viện nhưng chủ yếu sinh viên cho rằng lượng sách báo trong thư viện trường chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập của họ chiếm 32,2%; đáp ứng được rất ít nhu cầu học tập và giải trí chiếm 29,6%; 20,6% thỏa mãn với sách báo ở thư viện trường đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của sinh viên; số còn lại 17,6% cho rằng thư viện không đáp ứng được nhu cầu của họ (hình 2).

Kết quả khảo sát trên đã cho thấy, Thư viện trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cần bổ sung thêm các tài liệu cả về chất lượng và số lượng, tương xứng với các ngành học mà trường đào tạo và tương xứng với số lượng sinh viên đang theo học để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đọc và thu hút sinh viên đến với thư viện của trường.

Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc của sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Hình 2. Mức độ đáp ứng nhu cầu sách báo của thư viện đối với sinh viên

4. KHUYẾN NGHỊ VÀ KẾT LUẬN

Trên cơ sở phân tích thực trạng văn hóa đọc của sinh viên, tác giả khuyến nghị một số giải pháp nhằm phát triển văn hóa đọc cho sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội như sau:

Một là, quan tâm, đầu tư hơn nữa về vấn đề đọc sách phục vụ cho học tập, nghiên cứu và giải trí của sinh viên. Thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa đọc.

Hai là, xây dựng chương trình giảng dạy liên quan đến văn hóa đọc, giáo dục cho sinh viên vai trò của văn hóa đọc đối với việc học và nghiên cứu khoa học, cách lựa chọn tài liệu, kỹ năng đọc, cách sử dụng thư viện… Giảng viên nên bổ sung những kiến thức mới, tiên tiến cho sinh viên bằng cách giới thiệu những tài liệu hay, mới cập nhật phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu khoa học và công việc sau này.

Ba là,tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về văn hóa đọc, khuyến khích giáo viên cùng tham gia. Tổ chức các buổi hướng dẫn thực hành để đào tạo, hướng dẫn người dùng tin sử dụng bộ máy tra cứu (hệ thống mục lục, kho tài liệu tra cứu), kỹ năng sử dụng máy tính để tra tìm sách qua các cơ sở sữ liệu thư mục, tìm kiếm tài liệu điện tử trên mạng Internet. Tổ chức ngày hội đọc sách, tổ chức triển lãm sách, trưng bày sách mới nhằm tuyên truyền vai trò của sách, báo, tạp chí, tài liệu đối với việc học tập, nghiên cứu khoa học và đời sống tinh thần của sinh viên trường. Thư viện cần mở các lớp học nhằm giáo dục kỹ năng đọc, thái độ ứng xử với tài liệu để sinh viên có những kiến thức cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động đọc. Thường xuyên biên soạn các thông tin phục vụ cho người đọc dễ dàng tìm kiếm những tài liệu đúng với mục đích cần tìm như: tóm tắt, dẫn giải, tổng quan, thư mục… Mỗi đợt bổ sung tài liệu mới, thư viện cần có danh mục các tài liệu mới cập nhật đưa về từng khoa, từng lớp để khơi gợi nhu cầu đọc của mỗi sinh viên.

Bốn là, nâng cao chất lượng thư viện bằng việc đầu tư kinh phí hoạt động vì thư viện là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển văn hóa đọc. Tiến hành điều tra nhu cầu đọc của sinh viên theo định kì, từ đó có những kế hoạch đầu tư hợp lý cho việc phát triển văn hóa đọc trong trường.

Năm là, nâng cao tính chủ động của sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu bằng việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng lấy người học làm trung tâm, chuyển quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, đưa hoạt động đào tạo tiếp cận với thực tế, chuyển từ tiếp thu thụ động sang chủ động khám phá. Phương pháp giảng dạy phải khiến cho sinh viên đọc giáo trình là yêu cầu bắt buộc để nắm được những kiến thức cơ bản nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ học tập; đọc tài liệu tham khảo để bổ sung, mở rộng kiến thức của mỗi môn học nếu muốn trở thành sinh viên khá, giỏi. Định hướng cho sinh viên sử dụng Internet theo hướng tích cực; xây dựng một website mang tính định hướng văn hóa đọc cho sinh viên, phổ biến, tuyên truyền văn hóa đọc tới sinh viên; giới thiệu những cuốn sách hay, mới; tổng hợp những bài viết hay, có giá trị được đăng tải trên Internet; lập diễn đàn để sinh viên có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc đọc; giới thiệu và tạo liên kết với những trang web khác bổ ích cho việc đọc. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của trường nên thành lập ban chỉ đạo chuyên trách cho việc phát triển văn hóa đọc trong đoàn viên. Hàng năm, vào các ngày lễ lớn, Đoàn trường nên tổ chức các hình thức hoạt động như gặp gỡ trò chuyện với những nhà văn, nhà nghiên cứu… mà giới trẻ đang ngưỡng mộ hay tổ chức giao lưu, hội thi, trò chơi… làm cho hoạt động đọc trở thành một trong những nội dung sinh hoạt của tổ chức Đoàn. Đoàn trường nên mở một kênh chuyên mục giới thiệu sách mới qua phương tiện truyền thông để sinh viên có thể cập nhật tài liệu mới. Trong những buổi tổ chức sinh hoạt Đoàn định kỳ nên lồng ghép các hoạt động của văn hóa đọc cùng với các hoạt động Đoàn giúp cho sinh viên tiếp cận nhiều hơn với việc đọc.

5. KẾT LUẬN

Văn hóa đọc là tập hợp của các yếu tố: nhu cầu đọc, kỹ năng đọc và thái độ ứng xử với tài liệu giúp cho hoạt động đọc của sinh viên đúng đắn, khoa học tiết kiệm được thời gian, công sức lại đạt hiệu quả cao trong quá trình học tập và nghiên cứu. Bên cạnh đó, với những chức năng chủ yếu cung cấp thông tin, tri thức, giáo dục, giải trí, giao tiếp; văn hóa đọc góp phần vào việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, hình thành và phát triển nhân cách sinh viên. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc cho sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có ý nghĩa quan trọng. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với việc học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên, dựa vào những kết quả phân tích trên, tác giả khuyến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy văn hóa đọc cho sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Văn hóa thông tin và Thể thao, 1992. Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. Hà Nội.

[2]. C. Mác và Ph. Ăngghen, 1956. Những tác phẩm thời trẻ, tr. 587.

[3]. Đào Thị Ngọc, 2011. Nghiên cứu phát triển văn hóa đọc cho học viên tại Học viện Chính trị - hành chính khu vực I. Luận văn thạc sỹ, Đại học Văn hóa Hà Nội.

[4]. Trần Thị Minh Nguyệt, 2006. Giáo dục văn hóa đọc cho lứa tuổi thiếu nhi. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, (5), tr.116-120.

[5]. Nguyễn Công Phúc, 2010. Liệu pháp đọc sách trong hoạt động thư viện. Tạp chí Thư viện Việt Nam, (2), tr.21-25.

[6]. Đan Sơn, 2006. Vấn đề chưa khép lại. https://www.khatvong-tuoitre.com/2012/04/van-e-chua-khep-lai.html

[7]. Phan Hùng Sơn, 2012. Văn hóa đọc sách của giới trẻ - những điều trông thấy và suy ngẫm. https://sukienhay.com/Blogs/van-hoa-doc-sach-cua-gioi-tre-nhung-dieu-trong-thay-va-suy-ngam.html.

[8]. Hoàng Thị Thục, 2011. Thư viện đại học: Thực trạng và phát triển. https://lib.haui.edu.vn/Home/GetArticleByID/10446.

[9]. Nguyễn Hữu Viêm, 2009. Văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Tạp chí Thư viện Việt Nam, (1), tr.19-26.

Bài viết đăng trên Tạp chí KHCN số 38 ra tháng 2/2017, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

  • Thứ Ba, 08:56 15/01/2019

Tags: