Chuyên mục Đọc sách cùng bạn: Giáo trình Chiến lược kinh doanh
chuyên mục Đọc sách cùng bạn xin giới thiệu tới Quý bạn đọc cuốn Giáo trình Chiến lược kinh doanh được biên soạn bởi nhóm tác giả đến từ Trường Kinh tế, Đại học Công nghiệp Hà Nội. Cuốn sách cung cấp kiến thức cơ bản, giúp người học định hướng và xây dựng các chiến lược kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp.
Giáo trình giúp người học nắm vững kiến thức nền tảng và phát triển kỹ năng cơ bản về chiến lược kinh doanh, bao gồm hiểu rõ các khái niệm tổng quan về chiến lược, khả năng phân tích và dự báo các yếu tố tác động đến môi trường kinh doanh, cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Giúp người học hiểu được cách tổ chức thực hiện, kiểm tra và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.
Giáo trình được trình bày theo cấu trúc gồm 7 chương, cuối mỗi chương đều có các câu hỏi ôn tập để người đọc dễ dàng ghi nhớ nội dung quan trọng của chương. Sau đây chúng ta cùng điểm qua nội dung của từng chương:
Chương 1: Tổng quan về chiến lược kinh doanh
Chương này sẽ cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về chiến lược, chiến lược kinh doanh, tầm quan trọng của chiến lược, các cấp chiến lược trong một doanh nghiệp, cũng như quy trình hoạch định và tổ chức thực hiện chiến lược kinh doanh. Sau khi hoàn thành chương này, người học sẽ có được cái nhìn tổng quan về chiến lược nói chung và chiến lược kinh doanh nói riêng, từ đó giúp người học dễ dàng hơn trong việc theo dõi, nghiên cứu và tìm hiểu các chương tiếp theo của giáo trình.
Chương 2: Phân tích môi trường bên ngoài doanh nghiệp
Nội dung của chương giới thiệu các công cụ phân tích môi trường kinh doanh, bao gồm môi trường chung và môi trường ngành. Đối với phân tích môi trường chung, doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ phân tích PEST (chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ) và phân tích các nhóm liên quan. Khi phân tích môi trường ngành, doanh nghiệp có thể áp dụng các công cụ như mô hình năm lực lượng cạnh tranh của Porter và chu kỳ sống của ngành. Các doanh nghiệp cần cân nhắc và lựa chọn công cụ phân tích phù hợp để có cái nhìn rõ ràng và chính xác về môi trường kinh doanh của mình.
Chương 3: Phân tích nội bộ doanh nghiệp
Việc phân tích nội bộ doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình hoạch định chiến lược kinh doanh. Phân tích nội bộ giúp lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp, từ đó đưa ra những quyết định chiến lược chính xác và có những điều chỉnh cần thiết trong chiến lược kinh doanh.
Trong chương này, người học sẽ được giới thiệu các công cụ phân tích nội bộ như thẻ điểm cân bằng, chuỗi giá trị, mô hình 7S,... Ưu điểm và nhược điểm của mỗi công cụ phân tích nội bộ.
Chương 4: Xây dựng chiến lược kinh doanh
Chiến lược kinh doanh được hình thành dựa trên kết quả của việc nghiên cứu nhu cầu thị trường và mục tiêu chiến lược mà doanh nghiệp theo đuổi. Chương này sẽ cung cấp cho người học cái nhìn tổng quan về những yếu tố cơ bản trong quá trình xây dựng một chiến lược kinh doanh. Cụ thể, nội dung của chương sẽ bao gồm: Các yếu tố nền tảng của chiến lược kinh doanh; Các loại hình chiến lược kinh doanh chủ yếu; Những vấn đề cần lưu ý khi xây dựng chiến lược kinh doanh.
Chương 5: Phân tích chiến lược và lựa chọn chiến lược kinh doanh
Để phân tích và lựa chọn một chiến lược kinh doanh phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp ở mỗi giai đoạn, các nhà quản trị cần vận dụng các công cụ phân tích để đánh giá tình hình hiện tại của doanh nghiệp cũng như tác động của môi trường kinh doanh đến hoạt động của doanh nghiệp.
Chương này sẽ tập trung làm rõ các công cụ phân tích chiến lược và các bước lựa chọn chiến lược giúp người học có khả năng: Xác định các công cụ phân tích chiến lược; Xác định căn cứ lựa chọn chiến lược và các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn chiến lược; Hiểu được quy trình lựa chọn chiến lược để đảm bảo chiến lược được xây dựng và thực hiện một cách hiệu quả.
Chương 6: Tổ chức thực hiện chiến lược kinh doanh
Tổ chức thực hiện là một trong những bước quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh. Trên thực tế, nhiều chiến lược được xây dựng nhưng lại không được thực hiện hoặc thực hiện không hoàn thiện. Tổ chức thực hiện chiến lược được tiến hành thông qua bốn bước chính sau:
+ Giải trình chiến lược: Làm rõ bản chất và yêu cầu của công tác thực hiện chiến lược kinh doanh, đảm bảo tất cả các thành viên trong tổ chức đều hiểu và đồng thuận về mục tiêu chiến lược.
+ Sắp xếp tổ chức: Xây dựng chính sách và biện pháp cụ thể để thực hiện chiến lược kinh doanh, đồng thời phân định rõ các nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm trong tổ chức.
+ Triển khai mục tiêu và phân bổ nguồn lực: Phân bổ nguồn lực (nhân lực, tài chính, công nghệ...) một cách hợp lý để đảm bảo việc thực hiện chiến lược kinh doanh đạt hiệu quả cao.
+ Giám sát việc thực hiện: Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận và theo dõi tiến độ thực hiện chiến lược, điều chỉnh kịp thời khi cần thiết để chiến lược được triển khai thành công.
Chương 7: Kiểm soát chiến lược kinh doanh
Chương này sẽ tập trung làm rõ khái niệm, tầm quan trọng của kiểm soát chiến lược kinh doanh, để từ đó giúp các nhà quản trị có thể vận dụng hiệu quả trong thực tiễn kinh doanh, mang lại những kết quả khả quan cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Nội dung chủ yếu của chương bao gồm:
+ Khái niệm, yêu cầu và sự cần thiết phải kiểm soát chiến lược kinh doanh: Giới thiệu về lý thuyết cơ bản và vai trò của việc kiểm soát chiến lược trong quản trị doanh nghiệp.
+ Quy trình kiểm soát chiến lược kinh doanh: Trình bày các bước và phương pháp cụ thể để theo dõi, đánh giá và điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
+ Kiểm soát chiến lược kinh doanh hiệu quả: Hướng dẫn cách đánh giá và đảm bảo chiến lược được thực hiện đúng hướng, đạt được các mục tiêu đã đề ra và có khả năng điều chỉnh phù hợp khi cần thiết.
Cuốn sách là tài liệu hữu ích dành cho sinh viên, giảng viên và các nhà quản lý, hỗ trợ hiệu quả trong học tập và áp dụng chiến lược vào thực tiễn doanh nghiệp.
Cuốn sách hiện có tại Thư viện Đại học Công nghiệp Hà Nội, bạn đọc có thể đến mượn hoặc đọc tại chỗ.
Chúc các bạn thành công!
Thứ Tư, 15:47 22/01/2025
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.