7 bước đơn giản để phát triển thói quen tốt: Kiên trì thực hiện trong 3 tuần, chính bạn phải ngạc nhiên trước sự thay đổi của bản thân
Thói tham ăn tục uống, xu hướng trút giận lên người khác hay hút thuốc lá để giảm căng thẳng... ai cũng biết là không tốt. Giải pháp đưa ra là loại bỏ những thói hư tật xấu, thay thế chúng bằng những thói quen lành mạnh. Vậy ta nên bắt đầu từ đâu?
Chúng ta luôn vô thức làm mọi thứ theo cùng một cách mỗi ngày mà không cân nhắc đến hậu quả hay hiệu quả của những thói quen đó.
Thực chất, không phải thói quen nào cũng tốt và lành mạnh. Ví dụ như chúng ta về nhà sau giờ làm việc mỗi ngày, theo thói quen, ta tìm đến một thức uống có cồn để thư giãn thay vì lên máy chạy bộ. Điều này chắc chắn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hoặc trong khi xem tivi, chúng ta tranh thủ nhấm nháp một đĩa khoai tây chiên, kèm theo một cốc coca cola thay vì ăn rau và uống nước ép trái cây. Hậu quả là sức khỏe dần kém đi.
Hãy thay đổi bản thân ngày từ hôm nay với 7 bước đơn giản để phát triển những thói quen tốt.
1. Xác định thói quen
Như đã đề cập, chúng ta thường không chủ động ý thức về thói quen của mình là tốt hay xấu. Vì vậy, điều đầu tiên cần làm là định hình lại nhận thức.
Những cơn ho trở nên dai dẳng hơn hoặc là cảm giác khó thở sau khi bước lên một vài bậc thang. Đây là dấu hiệu cảnh báo về một lối sống có nhiều thói quen xấu hoặc thiếu hụt những thói quen lành mạnh.
Như vậy, đã đến lúc chúng ta kiểm tra lại những thói quen của mình!
2. Đưa ra quyết định, sau đó cam kết để thay đổi
Tất nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Đã bao nhiêu lần chúng ta tự nói với bản thân rằng: "Đúng, mình nên tập thể dục nhiều hơn và ăn uống tốt hơn. Sớm hay muộn mình cũng sẽ thực hiện nó".
Thật không may, chần chừ chỉ làm cho việc thay đổi một thói quen xấu trở nên khó khăn hơn. Tạo ra một cam kết nghiêm túc với bản thân là điều cần thiết. Nó thúc đẩy những dự định được thực hiện.
3. Xác định đâu là tác nhân gây nên những thói xấu
Nếu không tìm ra được đâu là nguyên nhân gây nên những thói quen xấu, bạn đang tự "đào hố chôn mình".
Tất cả chúng ta, trong những lúc yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất, cần được hỗ trợ hoặc giải phóng năng lượng tiêu cực ra ngoài. Hình thành những thói quen xấu như sử dụng chất kích thích hay ăn quá nhiều không phải là giải pháp cho vấn đề.
Ai cũng đều có những ngày tồi tệ. Nhưng chúng ta không cần phải dùng đến những thói xấu để giảm bớt căng thẳng. Ta càng không nên để sự buồn chán, tức giận hay lo lắng trở thành tác nhân hình thành lối sống tiêu cực. Hãy thay thế chúng bằng những thói quen lành mạnh.
4. Lập kế hoạch
Benjamin Franklin đã có một kế hoạch tuyệt vời để khắc phục những thói quen xấu của mình.
Benjamin Franklin - một trong những người thành lập ra đất nước của Hoa Kỳ. Ông là một chính trị gia, một nhà khoa học, một nhà văn, một thợ in, một triết gia, một nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, một nhà ngoại giao hàng đầu.
Benjamin Franklin đã liệt kê 13 đức tính mà ông cảm thấy là quan trọng trong cuộc sống của mình và sau đó xây dựng một quy trình để thực hiện chúng. Ông tập trung vào một đức tính mỗi tuần trong khoảng thời gian là 13 tuần.
Ông đã ghi lại quá trình thay đổi của mình. Vì một số đức tính là nền tảng cho những đức tính khác phát triển nên ông đã sắp xếp chúng theo thứ tự để thực hiện. Mở đầu danh sách là thói quen ăn uống điều độ. Bởi vì "nó thúc đẩy tính thông suốt và sự lý trí trong con người".
Sau khi việc ăn uống điều độ đã thành nếp, ông tiếp tục rèn luyện thói quen im lặng. Vì theo ông, để tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất cần "sử dụng đôi tai nhiều hơn là cái lưỡi".
Danh sách của Franklin gồm các đức tính đi kèm với lý do và mục đích tương ứng. Ông nhận ra rằng làm theo đúng nguyên tắc sẽ giải phóng ông khỏi những thói xấu, tạo điều kiện cho những việc quan trọng được thực hiện. Sự kiên định này, một khi đã trở thành thói quen, sẽ giúp ông tập trung rèn luyện các đức tính tốt khác.
Bạn có thể nghĩ ra một danh sách tương tự cho bản thân để kết hợp những thói quen tốt vào lối sống của mình. Sau đây là danh sách của Benjamin Franklin:
1. Ăn uống điều độ - Ăn không phải để ngu đi; Uống không phải để say xỉn.
2. Im lặng – Nói những lúc cần thiết; tránh nói chuyện phiếm.
3. Quy củ - Hãy sắp xếp mọi thứ theo trình tự.
4. Kiên quyết - Giải quyết để thực hiện những gì bạn nên làm; không thất bại khi thực hiện những gì bạn giải quyết.
5. Tiết kiệm - Không tốn chi phí trừ khi việc đó mang lại lợi ích cho bản thân và những người xung quanh.
6. Chăm chỉ – Không làm phí thời gian; luôn đầu tư vào việc có ích; không làm điều không cần thiết.
7. Chân thành - Không sử dụng sự lừa dối gây tổn thương.
8. Công lý – Không phạm sai lầm gây tổn thương. Bỏ qua các lợi ích cá nhân khi làm nhiệm vụ.
9. Tiết chế - Tránh gây thái quá. Không để những tổn thương hay sự phẫn nộ kiểm soát bản thân.
10. Sạch sẽ - Không chịu đựng sự ô uế, bẩn thỉu trong cơ thể, quần áo và nơi ở.
11. Tĩnh tâm - Không bị quấy rầy bởi những chuyện vặt vãnh và những sự cố không thể tránh khỏi.
12. Chung thủy – Không gây tổn thương đến người bạn đời của mình. Không làm ảnh hưởng danh tiếng của bản thân.
13. Khiêm tốn – Noi gương chúa Giê-su và Socrates (vị triết gia vĩ đại người Hy Lạp cổ đại).
5. Trực quan hóa và những lời tự khẳng định
Muốn thay đổi hành động trước tiên phải thay đổi tư duy.
Mọi điều trong cuộc sống đều bắt đầu từ tâm thức và ý niệm trực quan. Hành động tích cực bắt nguồn từ một tâm thế, ý niệm tích cực. Thói quen cũng vậy.
Hình dung bản thân thực hành những thói quen tốt tạo nên động lực mạnh mẽ để bạn thay đổi.
Cùng với đó, những lời khẳng định với bản thân sẽ lập trình nên tiềm thức với tư duy đúng đắn để thiết lập thói quen mới.
Tất cả cho phép bạn tạo ra sự cảm nhận và tưởng tượng rằng bản thân đang thực hiện những hành động tốt. Sự hình dung hóa và những lời tự khẳng định sẽ khiến những thói quen lành mạnh dễ dàng được hình thành.
6. Tranh thủ sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè
Cho mọi người biết điều mà bạn đang cố gắng thực hiện. Bằng cách này, họ sẽ hiểu rằng bạn đang thực sự nghiêm túc muốn loại bỏ những thói xấu. Từ đó họ cổ vũ và giúp đỡ bạn tránh xa cám dỗ. Tất cả chúng ta đều cần hỗ trợ để đạt được mục tiêu của mình!
7. Tự thưởng cho bản thân bằng những điều tốt đẹp
Nhiều thói quen xấu hình thành ngay từ đầu. Lý do vì chúng khiến ta cảm thấy thoải mái, dù chỉ là tạm thời. Sự dễ chịu ngắn hạn này trong chốc lát sẽ xoa dịu căng thẳng và nỗi đau. Nhưng bạn sẽ cảm thấy tồi tệ gấp đôi ngay sau đó. Ví dụ như hút thuốc hoặc uống rượu. Khi đang thực hiện hành động, bạn cảm thấy thư giãn. Tuy nhiên, sớm thôi, cảm giác tội lỗi và hối hận sẽ tràn về.
Vì vậy, để tránh lặp lại những thói quen xấu, hãy chủ động tự thưởng cho bản thân những điều tốt đẹp. Ví dụ như một cuốn sách mới, một bộ phim, một buổi hòa nhạc hoặc một thiết bị tập thể dục mới. Hãy ghé thăm một người bạn, đến phòng trưng bày nghệ thuật ở trung tâm thành phố hoặc thưởng thức một ly cà phê đậm đà ngất ngây.
Sau khi thực hiện những hành động tích cực nhiều lần, chúng sẽ trở thành thói quen. Thói quen tốt tạo nên bạn - một con người hạnh phúc với một lối sống lành mạnh.
(Theo Essential Life Skills - Bản dịch Cafef.vn)
Thứ Tư, 15:15 05/08/2020
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.