Tài liệu không dừng lại ở các nội dung lí thuyết, mỗi nội dung khoa học đều được tác giả nhìn nhận, gắn với đời sống thực tế của các ngôn ngữ cụ thể, đặc biệt là các ngôn ngữ ở Việt Nam như tiếng Việt - chữ Việt, tiếng nói - chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chú trọng tới sự tương tác giữa xã hội với ngôn ngữ, vận dụng lí thuyết của ngôn ngữ học xã hội, cuốn sách muốn hướng đến một bức tranh toàn cảnh về tình hình ngôn ngữ ở Việt Nam gắn với thực tiễn của xã hội Việt Nam cũng như với tập tục, thói quen văn hóa ứng xử của người Việt. Nói đến ngôn ngữ học xã hội ở Việt Nam không thể không nhắc đến bình diện ngôn ngữ học xã hội vĩ mô, đó là chính sách của Đảng và nước Việt Nam về ngôn ngữ bao gồm chủ trương, đường lối và các biện pháp thực thi để bảo vệ, phát triển, hiện đại hóa tiếng Việt và bảo tồn, phát huy các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.